Đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục tâm lý cho người nhà bệnh nhân tâm thần phân liệt tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một rối loạn thường gặp, chiếm tỉ lệ khoảng 1 % dân số. Tuổi khởi phát trẻ do vậy ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và học tập sau này.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng việc điều trị tâm thần phân liệt đến nay đã đạt được những kết quả lớn. Nếu như trước đây bệnh nhân tâm thần phân liệt phải sống tập trung trong những khu vực được rào kín, cách ly gia đình và xã hội thì nay họ có thể sống chung trong gia đình, trong cộng đồng.

Đạt được kết quả đó là nhờ có sự kết hợp của hoá liệu pháp và các phương pháp điều trị không dùng thuốc.

Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong điều trị và quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy một trong những rào cản làm ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị là người nhà bệnh nhân tâm thần phân liệt còn thiếu kiến thức về bệnh và các kỹ năng đối phó với bệnh.

Do vậy, chúng tôi nghiên cứu đề tài “Đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục tâm lý cho người nhà bệnh nhân tâm thần phân liệt tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng”.

Mục tiêu của đề tài:

-         Giảm kỳ thị.

-         Cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
 

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


1.Đối tượng

- Bệnh nhân được chẩn đoán TTPL (theo ICD – 10), điều trị nội trú tại bệnh viện.

- Độ tuổi 18 – 30.

- Thời gian bị bệnh TTPL dưới 3 năm, được điều trị nội trú từ 1 -3 lần.

- Không bị các rối loạn tâm thần khác hoặc các bệnh lý nội ngoại khoa kết hợp.


2. Phương pháp nghiên cứu

- Ngiên cứu can thiệp xuôi thời gian, có đối chứng.

- Số lượng bệnh nhân cho nhóm chứng và nhóm can thiệp là 30 người/ mỗi nhóm.


3. Các thang đánh giá

- Thang đánh chất lượng sống của bệnh nhân do người nhà đánh giá.

- Thang đánh chất lượng sống của bệnh nhân do bệnh nhân đánh giá.

- Thang đánh giá kỳ thị của người nhà.

- Thang đánh giá kỳ thị của bệnh nhân.

- Thang đánh giá tâm thần ngắn (BPRS).

- Thang đánh giá tác dụng phụ của thuốc.

- Thang đánh giá tuân thủ điều trị.

- Thang đánh giá sự hài lòng đối với chương trình dành cho người nhà.

- Thang đánh giá sự hài lòng đối với chương trình dành cho bệnh nhân.


4. Các bước tiến hành

- Chọn bệnh nhân.

- Thuyết phục gia đình tham gia nghiên cứu.

- Nếu gia đình và bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu, họ sẽ được chọn ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp hoặc nhóm chứng.

- Đối với nhóm can thiệp: Tiến hành 3 buổi Giáo dục tâm lý cho bệnh nhân và người nhà sau khi các triệu chứng loạn thần được kiểm soát. Nội dung giáo dục tâm lý tập trung vào giải thích tâm thần phân liệt là một bệnh lý (y khoa, sinh học), tiên lượng bệnh (bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường), làm sao để gia đình và bệnh nhân có thể thích nghi với bệnh tật và giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng sống.

- Đối với nhóm chứng: Bệnh nhân và gia đình không được làm giáo dục tâm lý nhưng vẫn nhận được chăm sóc tiêu chuẩn của bệnh viện.

- Bệnh nhân và người nhà sẽ được đánh giá tại bốn thời điểm:

·        Đánh giá lần thứ nhất (sau khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu ổn định).

·         Đánh giá lần thứ hai (trước khi bệnh nhân xuất viện).

·         Đánh giá lần thứ ba (sau khi bệnh nhân xuất viện 3 tháng).

·        Đánh giá lần thứ tư (sau khi bệnh nhân xuất viện 6 tháng).


KẾT QUẢ VÀ XỬ LÝ SỐ LIỆU

Số liệu sẽ được xử lý bằng phần mềm thống kê nhằm chứng minh giáo dục tâm lý đã có hiệu quả như mục tiêu đề tài đã đặt ra.


KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

-         Tháng 1 – tháng 5 năm 2013: viết đề cương, biên soạn các bảng đánh giá.

-         Tháng 6 – tháng 7 năm 2013: tập huấn phương pháp can thiệp và phương pháp đánh giá.

-         Tháng 8 – tháng 12 năm 2013: làm thử nghiệm để rút kinh nghiệm.

-         Tháng 1 – tháng 12 năm 2014: làm chính thức cho hai nhóm.

-         Dự kiến kết thúc: tháng 6 năm 2015.

Nguồn tin: benhvientamthan.danang.gov.vn