Phát hiện sớm các rối loại tâm thần tuổi học đường

Dự án "Chăm sóc sức khoẻ học sinh trường học tại Hà nội" đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà nội phê duyệt theo Quyết định số 9016/QĐ-UB ngày 10/12/2004. Đây là dự án hợp tác quốc tế với trường Đại học Melbourne (Australia) đồng tài trợ, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương được vinh dự là đơn vị thực hiện dự án.


Dự án "Chăm sóc sức khoẻ học sinh trường học tại Hà nội" lần đầu tiên đi vào một lĩnh vực hoàn toàn mới trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ học sinh trường học Thủ đô. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, trường học là một phần quan trọng của môi trường sống và phát triển toàn diện.

Thực tế những năm gần đây, rất nhiều vấn đề liên quan đến Sức khoẻ tâm thần học sinh trường học đã và đang nổi lên cần có sự quan tâm thích đáng và các giải pháp hành động của toàn xã hội, đó là các vấn đề liên quan đến Stress như lo âu, ám ảnh, trầm cảm, tự sát trong học sinh trường học, vấn đề "Hysterya tập thể", các biểu hiện suy nhược và các rối loạn dạng cơ thể,… Các vấn đề liên quan đến phát triển trí tuệ, rối loạn nhân cách hành vi như các rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn ứng xử, xung động bạo lực, nghiện chất (rượu và ma tuý), rối loạn ăn uống dẫn tới béo phì,…, Tất cả đều là các rối loạn tiên phát về sức khoẻ tâm thần, theo phân loại quốc tế lần thứ X (ICD-10) mục F70, F80, F90.

Nguyên nhân của các rối loạn trên hầu hết là phức tạp, có những vấn đề y học chưa hiểu biết hết. Tuy nhiên, phải tiếp cận một cách toàn diện trên cả ba phương diện:
- Sinh học, bệnh lý học.
- Tâm lý lứa tuổi, tâm lý giáo dục.
- Các vấn đề gia đình - xã hội có liên quan.

Khảo sát đánh giá đúng thực trạng các vấn đề sức khoẻ tâm thần học sinh trường học là một bài toán lớn và khó, đòi hỏi phải vận đụng các phương pháp khoa học cũng như các kỹ thuật chuyên ngành. Dự án "Chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học tại Hà nội" đặt mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 1 - Giai đoạn khảo sát đánh giAá, là chúng ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh dựa trên một mẫu đại diện, được khảo sát bằng các công cụ chuẩn quốc tế, có thể so sánh với các kết quả nghiên cứu ở các nước trong khu vực Châu Á - Tây Thía Bình Dương, có đủ cơ sở khoa học để kham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhằm hoạch định những can thiệp cho giai đoạn 2 - Giai đoạn can thiệp trợ giúp, nhăm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ học sinh Thủ đô, góp phần xây dựng một mô hình mới, tiên tiến về chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học, góp phần đáp ứng những quốc sách lớn của Đảng và Nhà nước về chương trình bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong giai đoạn hiện nay.

Giới thiệu thang đánh giá SDQ:

Thang đánh giá điểm mạnh và yếu học sinh của Tổ chức y tế thế giới, được các Giáo sư Trung tâm Sức khoẻ tâm thần quốc tế Australia và các nhà chuyêm môn Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương chuẩn hoá sang tiếng Việt. Gồm 3 thang: Thang SDQ dành cho học sinh tự đánh giá; Thang SDQ dành cho giáo viên đánh giá; Thang SDQ dành cho cha mẹ đánh giá. Mỗi thang có 25 câu hỏi, cho điểm 1, 2, 3 theo mức độ nặng, nhẹ các dấu hiệu của trẻ.
Các điểm yếu sức khoẻ tâm thần trong thang SDQ bao gồm:
- Các vấn đề cảm xúc: Buồn rầu, thất vọng, suy nhược, sợ hãi lo lắng, mất quan tâm thích thú, ngại giao tiếp bạn bè.
- Các vấn đề ứng xử: Tức giận, mất tự chủ, thích bạo lực, thích gây hấn.
- Các vấn đề về tăng động giảm tập chung chú ý: Căng thẳng, bồn chồn, luôn ngọ ngoạy, hấp tấp, bốc đồng, không thể tập trung chú ý để làm một việc gì đến nơi đến chốn.
- Các vấn đề về nhóm bạn: Cách biệt, thích một mình, ít quan hệ, thiếu hoà hợp, không được các bạn yêu mến.
- Các kỹ năng tiền xã hội: Không thân ái thân thiện, không tình nguyện, không chia sẻ, không giúp đỡ mọi người, bàn quan vô cảm với xung quanh.

Các kết quả thu được qua thang đánh giá:
- Bình thường: Không có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
- Ranh giới: Nghi ngờ, chưa chắc chắn.
- Không bình thường: có vấn đề sức khoẻ tâm thần.

KẾT QUẢ, KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Khảo sát sức khoẻ tâm thần học sinh trường học thành phố Hà nội bằng công cụ thang SDQ của tổ chức y tế thế giới chuẩn hoá Việt Nam cho thấy: Trên mẫu nghiên cứu gồm 1203 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi 10 - 16 tuổi, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khoẻ tâm thần chung là 19,46% trong đó tỷ lệ nam, nữ, tiểu học, trung học cơ sở, nội thành, ngoại thành không có gì khác biệt.

2. Tỷ lệ mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần của quần thể nghiên cứu như sau:
- Vấn đề cảm xúc                           11,48%
- Vấn đề ứng xử                             9,23%
- Vấn đề tăng động                         14,10%
- Vấn đề nhóm bạn                         9,32%
- Vấn đề tiền xã hội                        7,75%
   
3. Khảo sát lại nhóm có vấn đề sức khoẻ tâm thần thấy:
- Vấn đề cảm xúc                          50,18%
- Vấn đề ứng xử                            40,36%
- Vấn đề tăng động                        61,45%
- Vấn đề nhóm bạn                        40,72%
- Vấn đề tiền xã hội                       33,09%
   
4. Trong quần thể nghiên cứu, độ nhạy và độ đặc biệt > 96% chứng tỏ phiên bản SDQ có gía trị ứng dụng trong khảo sát sức khoẻ tâm thần học sinh trường học và sức khoẻ thanh thiếu niên Việt Nam.

5. Kết quả khảo sát cho thấy một bức tranh về sức khoẻ tâm thần học sinh trường học thành phố Hà nội không có gì khác biệt với các khảo sát cùng loại của các nước trong khu vực và thế giới.

Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở ban đầu để các nhà chuyên môn tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án - Giai đoạn can thiệp trợ giúp, xây dựng một mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học hiện đại, tiên tiến.

Kết quả cũng là cơ sở để tiến hành khảo sát thực trạng các biến động về sức khoẻ tâm thần sau các thảm họa, thiên tai để có các hành động dự phòng và xử lý thích đáng.

Nguồn tin: www.maihuong.gov.vn