Vài dòng suy nghĩ làm sao giảm được sự kỳ thị của người dân đối với bệnh tâm thần

Kỳ thị về các vấn đề sức khoẻ tâm thần là một thực tế, nó ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người dân. Bài viết này như một bài tâm sự và mong sự đóng góp của độc giả

        Chúng tôi không rỏ sự kỳ thị đối với vấn đề sức khỏe tâm thần bắt đầu từ khi nào và tại sao người ta lại có sự kỳ thị đó.Những người chăm sóc sức khỏe tâm thần như chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề này. Có hai lý do chúng tôi luôn quan tâm đến:
-         Sự kỳ thị này làm cản trở sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần của người bệnh nhân: người nhà và ngay cả bệnh nhân biết mình bị bệnh tâm thần nhưng không muốn thừa nhận về căn bệnh của mình và cho dù biết đến bệnh viện tâm thần có thể điều trị được nhưng lại ngại không muốn đến.
-         Sự kỳ thị ảnh hưởng đến tâm lý của người chăm sóc sức khỏe tâm thần: Có những trường hợp nhận viên bệnh viện không dám cho người nhà biêt mình làm công tác tại bệnh viện. Trong các buổi giao lưu khi giới thiệu đến bệnh viện Tâm thần, nhiều người có các phản ứng không phù hợp. Từ đó làm cho nhân viên bệnh viện giảm tự tin. Với tâm trạng đó, động cơ để phát triển ngành không cao. Vì vậy việc đầu tư học tập nâng cao trình độ chuyên môn bị hạn chế. Và người cuối cùng bị ảnh hưởng chính là người bệnh.
Để giải quyết sự kỳ thị này nhiều nhà chuyên môn cho rằng cần làm công tác tuyên truyền cho người dân về kiến thức sức khỏe tâm thần. Trong thời gian dài ngành tâm thần đã kiên trì thực hiện liên tục công tác truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên kết quả không như chúng tôi mong đợi. Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng có cách làm khác để giản sự kỳ thị:
-         Tự nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên bệnh viện (từ bác sĩ, cử nhân tâm lý đến điều dưỡng): bệnh viện thường xuyên đào tạo để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.
-         Thay đổi bộ mặt của bệnh viện, đặc biệt khoa Khám bệnh: Chúng tôi xác định khoa Khám bệnh là bộ mặt của bệnh viện. Từ đó chúng tôi xây dựng khuôn viên khoa Khám bệnh thật thoáng và thư giản, để tạo cảm giác thân thiện khi đến bệnh viện.
-         Mở rộng các dạng bệnh điều trị tại bệnh viện, triển khai các hoạt động chuyên sâu: Bệnh tâm thần rất đa dạng, từ các rối loạn nhẹ nhàng như rối loạn lo âu, trầm cảm đến các rối loạn nặng nề như tâm thần phân liệt; từ các rối loạn của trẻ em như tự kỷ, tăng động giảm chú ý, đái dầm đến các rối loạn của người lớn tuổi như mất trí.  Tuy nhiên chúng tôi tập trung chuyên sâu hơn ở một số lảnh vực không nơi nào làm được. Như hiện tại bệnh viện có 5 máy đo điện não đồ để thực hiện đo trung bình 60 bệnh nhân mồi ngày. Hoặc phát triển các liệu pháp tâm lý để điều trị các rối loạn tâm thần.
-         Tiếp cận người dân mọi hình thức (tại cộng đồng, tại trường học): Nếu chúng tôi chỉ khu trú trong bệnh viện, thì số người biết đến sức khỏe tâm thần rất ít, nhưng nếu tiến hành các chương trình tại cộng đồng thì nhiều người hiểu hơn về sức khỏe tâm thần. Khi thực hiện các chương trình tại cộng đồng, người dân sẽ thay đổi dần nhận thức về sức khỏe tâm thần. Từ đó người dân thấy được tính phổ biến của rối loạn tâm thần. Chính điều này làm giảm đi sự kỳ thị của người dân.
-         Vai trò của truyền thông trên các chương trình ti vi: Thông qua các buổi trao đổi trên cac chương trình truyền hình, người dân hiểu được các vấn đề sức khỏe tâm thần.
-         Tạo niềm tự hào cho cán bộ nhân viên bệnh viện: điều này làm động lực cho cán bộ nhân viên phát triển kỷ năng và kiến thức, cũng từ đó cải thiện thái độ phục vụ cho bệnh nhân. Quan trọng hơn cả cán bộ nhân viên có cuộc sống tình thần tốt hơn. Nhờ vậy việc chăm sóc cho bệnh nhân ngày càng nâng cao.
Đó là những suy nghĩ của những người trong cuộc như chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng có nhiều cách khác nhau để giảm sự kỳ thị này. Người dân là người sẽ có ý kiến thiết thực nhất. Chúng tôi viết bài này để mong nhận được sự phản hồi của người dân. Từ đó chúng tôi hoàn chỉnh lại chính bản thân chúng tôi và mục đích cuối cùng là phục vụ tốt cho bệnh nhân tâm thần .

Nguồn tin: benhvientamthan.danang.gov.vn