Chẩn đoán và điều trị hội chứng hưng cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực bằng thuốc Depakote

Ca lâm sàng : Chẩn đoán và điều trị hội chứng hưng cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực bằng thuốc Depakote
I. HÀNH CHÍNH:
- Họ và tên bệnh nhân: Trương Ngọc A
- Giới: nữ                     
- Sinh năm: 1999
- Nghề nghiệp: sinh viên
- Địa chỉ: Đại Hưng - Khoái Châu - Hưng Yên
- Vào viện hồi: 9h00’ ngày 18/12/2019
- Ra viện hồi: 15h00’ ngày 18/1/2020
 
II. QUÁ TRÌNH BỆNH LÝ:
1. Lý do vào viện: mất ngủ, hưng phấn quá mức
2. Quá trình bệnh lý:
Bệnh nhân là con thứ ½ của gia đình, quá trình sinh và lớn lên phát triển bình thường trước khi bị bệnh nhân có lực học giỏi, tính tình cởi mở, hoạt bát, hòa đồng với mọi người. Bệnh nhân có các biểu hiện.
* Bệnh lý từ năm 14 tuổi: bệnh khởi phát tự nhiên, không do một sang chấn tâm lý rõ ràng nào cả. Các biểu hiện ban đầu là: bệnh nhân kém ngủ, lười vận động, giao tiếp, ít cười nói, không tập trung học hành.
Bệnh nhân được đưa đi khám tại Bệnh viện tâm thần TWI với chẩn đoán: giai đoạn trầm cảm vừa (F32.1) được điều trị ngoại trú đều bằng thuốc chống trầm cảm trong vòng 3 tháng thì bệnh dần ổn định, bệnh nhân lại tiếp tục đi học và trở về sinh hoạt bình thường.
Khoảng một năm sau đợt bệnh đầu tiên bệnh nhân lại tái phát bệnh. Nhưng lần này với các biểu hiện:
- Bệnh nhân nói nhiều, vui cười hoạt động liên tục, khoe với mọi người là mình rất tài giỏi, mình xứng đáng và sẽ là cán bộ cấp cao, có khả năng nói giỏi nhiều thứ tiếng: Anh, Hàn, Nhật … và sẽ dạy cho mọi người miễn phí.
- Bệnh nhân cũng luôn khoe mình có nhiều tiền và đã tiêu pha, mua sắm rất nhiều, dù đó là tiền nộp học và đi vay mọi người.
- Bệnh nhân luôn trang điểm cầu kì, mặc đẹp cả khi ở nhà. Kèm với đó là bệnh nhân mất ngủ, rất dễ nổi khùng, chửi bới, đe dọa, đánh bất kì ai khuyên can, góp ý về mình.
- Bệnh nhân cũng bỏ học và đi chơi khắp nơi, nên gia đình phải đón về, đưa đi khám tại các Bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện Tâm thần TWI, Viện sức khỏe tâm thần Bạch Mai đều được chẩn đoán: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hưng cảm có loạn thần (F31.2).
Gia đình không muốn cho bệnh nhân nhập viện mà chỉ lấy thuốc về điều trị ngoại trú nhưng không đỡ nên phải nhập viện Tâm thần kinh Hưng Yên. Vào viện được chẩn đoán (F31.2) lúc đầu điều trị bằng các thuốc an thần kinh  tiêm (Aminazin, Haloperido) liều cao sau chuyển sang các thuốc an thần kinh uống kết hợp với thuốc Depakin 500mg x 04 viên / ngày. Bệnh ổn định sau khoảng 6 tuần điều trị. Bệnh nhân về tiếp tục đi học nhưng duy trì thuốc không đều theo đơn chỉ định, bệnh vẫn tái phát từng đợt đã phải vào viện điều trị nhiều lần. Đợt này bệnh tái phát khoảng 1 tuần nay với các biểu hiện hưng cảm như mô tả ở trên như: mất ngủ, cười nói nhiều, khoe tài giỏi, dễ nổi nóng đánh người. Gia đình đưa vào viện.
Hiện tại lúc vào: tiếp xúc hạn chế, khí xắc tăng, hằn học, phủ định bệnh, tư duy nhịp nhanh, nói nhiều, có hoang tưởng tự cao, rối loạn hành vi.
 
III. TIỀN SỬ:
- Bản thân: có các biểu hiện bệnh từ năm 14 tuổi, chưa phát hiện thêm các bệnh nội - ngoại khoa đặc biệt nào khác. Bệnh nhân có chu kì kinh nguyệt lần đầu năm 13 tuổi.
- Chưa ghi nhận các tiền sử liên quan đến nghiện chất.
- Gia đình: có chị gái của mẹ bị Tâm thần phân liệt.
 
IV. KHÁM BỆNH:
1. Toàn thân:
- Thể trạng trung bình
- Da, niêm mạc hồng
- Không phù, không xuất huyết dưới da
- M: 78l/p - T0: 370C - HA: 120/70mmHg
2. Các cơ quan:
Tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa và các cơ quan khác chưa phát hiện bệnh lý.
3. Khám thần kinh:
- Khám 12 đôi dây thần kinh sọ não không phát hiện biểu hiện tổn thương hay liệt dây nào.
- Vận động: chủ động và thụ động bình thường.
- Trương lực cơ: không rối loạn
- Cảm giác và phản xạ: bình thường
- Đáy mắt: chưa soi
4. Khám tâm thần:
- Biểu hiện chung: cười nói nhiều, khoe khoang, dễ hằn học nổi khùng, ăn mặc trang điểm nổi bật
- Ý thức định hướng về: không gian, thời gian và bản thân đều đúng.
- Tình cảm, cảm xúc: khí sắc tăng, dao động, cười nói vui vẻ quá mức, nhưng cũng dễ bùng nổ nổi khùng.
- Tri giác: hiện chưa phát hiện ảo tưởng hay ảo giác.
- Tư duy: + Hình thức: nhịp nhanh
+ Nội dung: có hoang tưởng tự cao (luôn cho rằng mình là cán bộ cao cấp, có khả năng nói nhiều ngoại ngữ, có nhiều tiền).
- Hành vi tác phong:
+ Hoạt động có ý chí: cười nói, đi lại liên tục, can thiệp vào việc của mọi người.
+ Hoạt động bản năng: mất ngủ, có biểu hiện rối loạn bản năng tình dục (muốn tiếp xúc thu hút người khác giới mọi lúc).
- Trí nhớ: trí nhớ máy móc và thông hiểu còn tốt
- Trí năng: khả năng phân tích và tổng hợp ở một số việc bị chi phối bởi hoang tưởng tự cao.
- Chú ý: khả năng tập trung chú ý giảm nhẹ.

V. CÁC XÉT NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG:
- Các xét nghiệm công thức máu, hóa sinh máu, điện não đồ, lưu huyết não, điện tim đều bình thường.
- Chưa làm các test về hưng cảm và trầm cảm.
 
VI. TÓM TẮT TRIỆU CHỨNG VÀ HỘI CHỨNG:
- Bệnh nhân nữ 20 tuổi bị bệnh 6 năm, vào viện vì mất ngủ, cười nói nhiều, dễ cáu gắt, qua hỏi và khám thấy.
- Hội chứng hưng cảm:
+ Cảm xúc: khí sắc tăng, dao động vui vẻ, cười nói nhiều nhưng cũng dễ nổi khùng, bùng nổ.
+ Tư duy nhịp nhanh, có hoang tưởng tự cao.
+ Hành vi: tăng động, tăng nhu cầu tình dục.
- Trong tiền sử có giai đoạn bệnh nhân đã từng được chẩn đoán mắc trầm cảm và từng đợt có nhiều giai đoạn hưng cảm khác.
 
VII. CHẨN ĐOÁN:
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần (F31.2).
 
VIII. ĐIỀU TRỊ:
- Trong 3 ngày đầu bệnh nhân kích động phủ định bệnh. Chống đối dùng thuốc nên được chỉ định thuốc tiêm với liều:
Aminazin 25mg x 02 ống (trưa 1 ống, tối 1 ống)
Haloperidol 5mg x 02 ống (trưa 1 ống, tối 1 ống)
- Sau 3 ngày tiêm thuốc bệnh nhân đã ngủ được, bớt hằn học, đã chịu dùng thuốc uống.
- Từ ngày thứ 4 đến ngày 15 bệnh nhân dùng thuốc với liều:
Risdontab 2mg x 02 viên (S1, T1)
Levomepromazin 25mg x 03 viên (S1, T2)
Depakote 500mg x 02 viên (S1, T1)
Bệnh nhân đã dần ổn định hơn, ngủ khá, hoang tưởng tự cao dần phai nhạt.
- Từ ngày 16 đến ngày 30 bệnh nhân dùng đều với liều:
Risdontab 2mg x 02 viên (S1v, T1v)
Levomepromazin 25mg x 01 viên (Tối)
Depakote 500mg x 02 viên (S1v, T1v)
Sau 30 ngày điều trị tại viện bệnh nhân đã hết các biểu hiện rối loạn tâm thần, không còn hoang tưởng tự cao, cảm xúc và hành vi trở về bình thường, ngủ tốt.
Bệnh nhân được ra viện về tiếp tục điều trị theo đơn với liều:
Depakote 500mg x 02 viên (S1v, T1v)

Hiện tại bệnh nhân uống thuốc đều đã đi học lại và đã đi học trở lại.

Tác giả bài viết: Bs.CKII Nguyễn Văn Tình