Gia tăng số người mắc bệnh trầm cảm

Trầm cảm là loại bệnh phổ biến, hiện có xu hướng gia tăng, gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 16 - 27 tuổi và người già từ 60 - 65 tuổi.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên: Bệnh trầm cảm không khó nhận biết nếu người thân chịu khó để ý, quan tâm đến những dấu hỉệu bất thường của một người nào đó trong gia đình. Người bệnh trầm cảm có những biểu hiện đặc trưng như: Buồn chán, sống thu mình  ít nói, tuyệt vọng, không quan tâm đến các vấn đề xung quanh, cảm thấy suy sụp, có ý định tự sát. Khi mắc bệnh này, người bệnh thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, uể oải, ngại giao tiếp với người thân và cộng đồng; một số bệnh nhân mất ngủ, ăn kém ngon miệng... Nếu người nào đó có từ bốn triệu chứng nêu trên trở lên, chiếm phần lớn thời gian trong ngày, gần như hàng ngày và kéo dài trên hai tuần cần chia xẻ cho người thân biết và gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn giúp đỡ.


Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) thì số người mắc bệnh trầm cảm tăng lên 18% từ năm 2005 đến năm 2015. Cũng theo dự báo của WHO, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh.
Tại Việt Nam ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc căn bệnh này, chiếm 4% dân số (số liệu 2015); trong đó có khoảng 5.000 người chết vì tự tử do người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác.

Qua khảo sát của Bệnh viện tâm thần kinh tỉnh, trên địa bàn tỉnh ta có không ít người mắc bệnh trầm cảm. Năm 2015, Bệnh viện tâm thần kinh tỉnh phối hợp với Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 tổ chức khám sàng lọc cho 155 người có các triệu chứng về trầm cảm tại xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên) và đã đưa 114 bệnh nhân vào danh sách điều trị nghiên cứu tiến cứu trong thời gian 6 tháng. Qua đánh giá, sau 6 tháng điều trị, người bệnh tiến triển tốt ăn ngủ được lao động làm việc bình thường trở lại. Tuy nhiên, hiện nay số người bị trầm cảm thu hút vào điều trị  tại bệnh viện tỷ lệ thấp qua số liệu 6 tháng đầu năm 2018 chỉ có 21/687 bệnh nhân vào điều trị nội trú chiểm tỷ lệ 3,06% bệnh nhân vào điều trị nội trú. Nguyên nhân là do bệnh trầm cảm chưa được đưa vào chương trình mục tiêu Y tế quốc gia để quản lý điều trị. Mặt khác, người mắc bệnh trầm cảm thường sống khép mình, thu mình, ít giao tiếp với xã hội cũng như người thân của họ thường giấu bệnh. Chính vì không được phát hiện và điều trị cho người mắc bệnh trầm cảm một cách kịp thời nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Năm 2017, toàn tỉnh có 21 người tử vong liên quan đến bệnh trầm cảm và từ đầu năm đến nay có 17 người tử vong liên quan đến bệnh trầm cảm. Ngoài tìm đến cái chết, có những người bệnh còn vi phạm pháp luật, thậm chí cả phạm tội giết người.  Điển hình là vào hồi 6 giờ 40 phút ngày 25.11.2017, anh Vũ Văn T. trú tại thôn Mộc Ty, xã Trưng Trắc (Văn Lâm) chuẩn bị đưa con gái đi học thì bất ngờ bị Nguyễn S., sinh năm 1988, trú tại thôn An Lạc (cùng xã Trưng Trắc) dùng một con giáo tự chế có chuôi bằng tuýt sắt có hình tròn dài 144 cm, đường kính 3,4 cm, một đầu có gắn lưỡi dao nhọn bằng kim loại dài 22,8 cm đâm một nhát vào vùng bụng làm anh T. bị thương. Bất ngờ bị tấn công, anh T. bỏ chạy thì S. tiếp tục đuổi theo và đâm một nhát nữa vào mạn sườn bên trái anh T. làm anh bị thương nặng được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ngày 20.12.2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Lâm quyết định khởi tố vụ án hình sự giết người, đồng thời quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam. Tuy nhiên, qua kết quả giám định của Viện pháp Y tâm thần Trung ương, trước, trong và sau khi gây án, S. mắc bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid. Hiện, S. đang được điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.

Về cách phòng và điều trị, tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà các rối loạn trầm cảm sẽ được điều trị theo các hướng khác nhau. Thông thường với những bệnh nhân ở giai đoạn trầm cảm nhẹ sẽ là ưu tiên dùng liệu pháp tâm lý. Những bệnh nhân ở giai đoạn vừa sẽ là kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Những bênh nhân ở giai đoạn nặng sẽ ưu tiên dùng liệu pháp hóa dược, sau khi điều trị ổn định sẽ kết hợp liệu pháp tâm lý với bệnh nhân. Trong trường hợp trẻ mắc bệnh, cần phát hiện sớm và đưa tới cac cơ sở chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị. Phát hiện và điều trị sớm bệnh trấm cảm  sẽ góp phần rất tích cực, nâng cao hiệu quả phục hồi cho người bệnh.


Tác giả bài viết: Hoàng Bền - Báo Hưng Yên