Rối loạn phân ly tập thể

Rối loạn phân ly tập thể được đặc trưng bởi các triệu chứng gợi ý bệnh thực thể nhưng người ta không tìm thấy nguyên nhân do môi trường và không có bằng chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh; nó xảy ra trong một nhóm người có cùng niềm tin về các triệu chứng đó.

1. Định nghĩa: 
 
Rối loạn phân ly tập thể được đặc trưng bởi các triệu chứng gợi ý bệnh thực thể nhưng người ta không tìm thấy nguyên nhân do môi trường và không có bằng chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh; nó xảy ra trong một nhóm người có cùng niềm tin về các triệu chứng đó.
 
Nó còn được gọi là bệnh do tâm lý tập thể, bệnh do xã hội tập thể, hoặc hysteria tập thể, vụ dịch hysteria .

2. Lịch sử của bệnh:
 
Trước đây đã có nhiều báo cáo về các hiện tượng hành vi tập thể đã được mô tả. Trong nhiều năm người ta đã đưa ra nhiều lý do để giải thích hiện tượng này: do ô nhiễm nguồn nước, nguồn gốc từ sao Hỏa, ô nhiễm môi trường, tiêm vaccine...Vào năm 1844 Hecker đã mô tả chi tiết đầu tiên về vấn đề này và gọi đó là “vũ điệu của St John”. Năm 1974 Francois Sirois xuất bản cuốn sách nói về các vụ bùng nổ cái mà ông ta gọi là “dịch hysteria” đã xảy ra từ năm 1872 đến 1972. Sau đó người ta thu thập số lượng các vụ bùng nổ “dịch Hysteria” từ năm 1973 đến năm1993 như sau: 1973-1977: 17 vụ ; 1978-1982: 18 vụ ; 1983-1987: 17 vụ và 1988-1993: 12 vụ.

3. Biểu hiện:
 
3.1.  Các đặc trưng cơ bản của rối loạn phân ly tập thể:
 
- Thường xảy ra sau khi tiếp xúc với một kích thích của môi trường (ví dụ như: mùi, tình trạng cấp cứu, tin đồn...)
- Phụ nữ bị nhiều hơn nam
- Thanh thiếu niên bị nhiều
- Bệnh nhân có các stress tâm lý và thực thể
- Các triệu chứng lan truyền và biến mất nhanh chóng
- Các triệu chứng mâu thuẩn với một căn nguyên sinh học đơn thuần
- Các triệu chứng có thể bao gồm: thở nhanh, xĩu, chóng mặt
- Các triệu chứng có thể được phối hợp với các triệu chứng cơ thể hoặc các bất thường xét nghiệm nhưng ở mức độ tối thiểu
- Các triệu chứng lan truyền bằng con đường thấy hoặc nghe người khác bị bệnh
- Bệnh có thể xuất hiện trở lại khi các đối tượng quay trở lại môi trường phát bệnh
- Bệnh có thể gia tăng do tình trạng cấp cứu kéo dài hoặc quá ồn ào

3.2. Khởi phát rối loạn phân ly tập thể: Các rối loạn phân ly tập thể thường khởi phát với một  “kích thích” môi trường, giống như mùi khó chịu hoặc tin đồn về tiếp xúc với chất độc. Khi một người bị bệnh, người khác trong nhóm cũng bắt đầu cảm thấy mình cũng bị bệnh. Người đầu tiên bị bệnh có thể mắc một bệnh cơ thể thật sự. Thường người  này có một giá trị nhất định đối với cả nhóm người này.
 
3.3. Sự lan truyền của rối loạn: Sau khi người đầu tiên bị rối loạn, các đối tượng khác bị do nhìn thấy hoặc nghe thấy các sự kiện xảy ra đối với người đầu tiên, cũng như khi thấy môi trường hỗn loạn trong khi xử trí các trường hợp này. Có những trường hợp nó lan tràn do những tin đồn về các vụ dịch.
 
3.4. Vị trí có vụ bùng nổ rối loạn phân ly tập thể: Thường đó là các nơi được khép kín trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, họ cùng trải qua cùng một stress cảm xúc và cơ thể. Theo ghi nhận của một số tác giả các nơi thường xảy ra các vụ dịch này là trường học, nhà máy, trong gia đình, các làng xóm, bệnh viện..Theo một thống kê từ năm 1973 đến 1993, một nữa các vụ dịch xảy ra ở trường học, 29%  ở nhà máy, 10% ở làng xã, sau đó là gia đình và các nơi khác.
 
Ở các nước công nghiệp, nó thường xảy ra ở các nhà máy. Nhưng ở các nước xã hội truyền thống, các vụ dịch này thường xảy ra ở trường học, nơi mà quan niệm phương Tây được giảng dạy nó xung đột với các điều được cha mẹ dạy ở nhà. Văn hóa quá nhấn mạnh vào tầm quan trọng giáo dục thường có khả năng dễ bị rối loạn này.
 
3.5. Các triệu chứng thường gặp trong rối loạn phân lý tập thể:
Biểu hiện lâm sàng của rối loạn này tùy theo sự quan tâm của con người trong từng giai đoạn của xã hội. Ví dụ hysteria vận động xuất hiện chủ yếu ở châu Âu từ thời Trung cổ. Ngược lại, nghi lễ và niềm tin vào ma thuật của người theo đạo mà nó rất phổ biến từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 19 đã tạo nên các vụ dịch với các cơn co giật hysteria ở những nữ tu sĩ, họ đỗ lỗi bị ma ám. Trong môi trường làm việc rất khó khăn trong cách mạng công nghiệp, đã xuất hiện các vụ dịch co giật, vận động bất thường và lời than phiền các triệu chứng thần kinh trong các công nhân nhà máy. Yếu tố khởi đầu phổ biến trong thế kỷ 20 và 21 là sợ sự ô nhiễm của môi trường hoặc các khí độc do tấn công sinh học hoặc khủng bố sinh học, do đó thường xuất hiện các triệu chứng: khó thở, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt và yếu cơ.  Người ta chia ra làm hai loại:
-Rối loạn phân ly tập thể biểu hiện vận động
- Rối loạn phân ly tập thể biểu hiện lo âu
Các triệu chứng phổ biến:

Đau đầu

Chóng mặt

Buồn nôn

Co thắt hoặc đau cơ bụng

Ho

Mệt mỏi

Đau họng hoặc cảm giác nóng trong họng

Thở nhanh hoặc khó thở

Mắt đẫm lệ hoặc bị kích thích

Thắt ngực/đau ngực

Không có khả năng tập trung/rối loạn suy nghĩ

Nôn

Cảm giác kiến bò hoặc dị cảm

Lo âu

Rối loạn thị giác

Ỉa chảy

Ngứa

Mất ý thức

 
4. Phương pháp giải quyết
 
4.1.  Điều cơ bản đầu tiên đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhân viên y tế và người quản lý tại nơi xảy ra vụ dịch. Sự thống nhất trong cách giải thích và giải quyết vụ dịch. Như phần trên đã trình bày, một trong những yếu tố làm lan truyền vụ dịch đó là sự hoang man, lo lắng của các đối tượng. Nếu mỗi thành viên có trách nhiệm giải thích tình trạng bệnh theo một hướng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, thì dẫn đến một hậu quả là sự lo lắng của đối tượng càng tăng thêm
 
4.2. Giảm sự lo âu:

-Thông tin đầy đủ, chính xác về vụ dịch: một trong những yếu tố làm lan truyền vụ dịch đó là tin đồn, có nghĩa là các thông tin không chính thức và sai lệch về vụ dịch. Để giải quyết tình trạng này không có gì khác hơn là cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về rối loạn. Tuy nhiên cần chú ý khi cung cấp thông tin chúng ta phải đảm bảo:
• Không được quá quan trọng hóa
• Thông tin phải ngắn gọn dễ hiểu
• Không dùng từ chuyên môn quá mức

-Sự bình tĩnh của nhân viên y tế, và người quản lý: Đây là một liều thuốc rất quan trọng trong các vụ dịch. Sự bình tĩnh của nhân viên y tế và nhà quản lý tạo được niền tin cho bệnh nhân và cho cộng đồng. Nó làm an tâm cho các đối tượng và không làm cho môi trường bị hỗn loạn. Tuy nhiên điều này rất khó khăn trong lần bùng phát đầu tiên, vì không ai hiểu điều gì đang xảy ra và mức độ của bệnh như thế nào. Nhưng khi vụ dịch bùng nổ thời gian dài, nhân viên y tế và nhà quản lý đã hiểu được vấn đề nên thực hiện điều này dễ dàng hơn

- Tạo được cảm giác môi trường an toàn
 
4.3. Đối tượng bị bệnh:
 
- Cách ly đối tượng bị bệnh
- Khám và kiểm tra để có kết luận chính xác tình trạng của các bệnh nhân
- Tập thư giãn
- Giải thích bệnh cho gia đình bệnh nhân
 
5. Dự phòng tái phát
 
- Tìm được nguyên nhân gây nên vụ dịch 
- Có phương pháp chính xác và cụ thể 
- Giáo dục cho các đối tượng hiểu rõ về bệnh 
- Tập cho các đối tượng biết cách thư giãn để chống lại các căng thẳng 
- Động viên các mặt tích cực của đối tượng để chống lại các biểu hiện của nhân cách yếu, lệ thuộc 
 

Tác giả bài viết: LÂM TỨ TRUNG

Nguồn tin: benhvientamthan.danang.gov.vn