Cơn động kinh là sự rối loạn kịch phát các chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột, ngắn, quá mức đồng thời của các tế bào thần kinh.
1. KHÁI NIỆM Động kinh là bệnh phổ biến ở các nước trên thế giới, tỉ lệ mắc bệnh giao động trong khoảng 0,5% dân số. Cả 2 giới và các lứa tuổi từ sơ sinh đến người già đều có thể có các cơn động kinh. Ở trẻ em động kinh có tầm quan trọng đặc biệt do tỉ lệ mắc bệnh cao trong đó loại động kinh tự phát lành tính chiếm khoảng 50%, loại này đáp ứng tốt với điều trị. 1.1. Định nghĩa Theo Hiệp Hội Chống Động Kinh Quốc Tế: “Cơn động kinh là sự rối loạn kịch phát các chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột, ngắn, quá mức đồng thời của các tế bào thần kinh. Cơn động kinh được biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng xuất hiện đột ngột, ngắn và định hình về vận động, cảm giác, giác quan, thực vật hoặc tâm thần tùy thuộc vào vị trí của tế bào thần kinh có liên quan. Bệnh động kinh là khi có sự tái diễn từ hai cơn động kinh trở lên cách nhau trên 24 giờ, không phải do sốt cao và các nguyên nhân cấp tính khác như rối loạn chuyển hóa, ngừng thuốc hay ngừng rượu gây lên ”. 1.2. Tần số, tuổi, giới Là bệnh phổ biến trên thế giới với tỷ lệ từ 1 - 5/1000 dân. Ở Việt Nam gặp ở các lứa tuổi nam và nữ tỷ lệ khoảng 0,33% dân số.
2.NGUYÊN NHÂN CỦA ĐỘNG KINH Dựa theo nguyên nhân: các cơn động kinh có thể chia làm 2 nhóm: 2.1. Động kinh nguyên phát: Là các cơn động kinh, với các trang thiết bị hiện có, không thể tìm thấy nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ (thuộc nhóm động kinh nguyên phát hoặc căn nguyên ẩn). 2.2. Động kinh thứ phát (cơn động kinh triệu chứng): Là các cơn liên quan chặt chẽ đến các rối loạn chuyển hoá, ngộ độc, tổn thương của hệ thần kinh hoặc một bệnh toàn thân (do chấn thương sọ não, u não, bệnh mạch máu não, dị chứng viêm não, teo não, nhiễm khuẩn nội sọ, sán não; do bệnh cơ thể: thiếu máu, tăng hoặc giảm đường huyết, sốt cao; do nhiễm độc: rượu, ma tuý, thuốc ATK…). 3. CÁC DẠNG ĐỘNG KINH PHỔ BIẾN Dấu hiệu bệnh động kinh rất đa dạng. Động kinh được chia làm 2 dạng chính là động kinh cục bộ và động kinh toàn thể. Một số trường hợp, ban đầu là động kinh cục bộ, nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ phát triển thành động kinh toàn thể. Ở mỗi dạng bệnh, mỗi người bệnh động kinh lại có những biểu hiện cụ thể khác nhau khi lên cơn động kinh. 3.1. Động kinh cục bộ Những cơn động kinh cục bộ xuất hiện khi một phần trong não có hoạt động bất thường. Chính vì thế, những biểu hiện của bệnh cũng chỉ xảy ra ở một vài bộ phận trong cơ thể. Có thể chia động kinh cục bộ thành 2 dạng là động kinh cục bộ đơn giản và động kinh cục bộ phức tạp. - Động kinh cục bộ đơn giản: Bệnh nhân có thể bị co cứng hay co giật ở một phần của cơ thể, thị giác và khứu giác bất thường, tâm trạng lo lắng và sợ sệt điều gì đó mà không rõ nguyên nhân, cảm giác chóng mặt và khó chịu vùng dạ dày… - Động kinh cục bộ phức tạp: Khi cơn động kinh xảy ra, phần lớn người bệnh gần như mất nhận thức và không biết được cơn động kinh đang xảy ra. Họ nhìn chằm chằm, mặt đờ đẫn, giống như đang bị lú lẫn. Người bệnh thực hiện những hành vi vô nghĩa như xoa tay, xoay đầu và đi qua đi lại… Tỉnh lại sau cơn động kinh họ không hề nhớ những gì đã xảy ra. 3.2. Động kinh toàn thể Những cơn động kinh toàn thể xuất hiện khi hoạt động phóng điện trong não xảy ra quá nhiều gây ảnh hưởng đến toàn thể não bộ. Hai dạng cơn động kinh toàn thể thường gặp nhất là cơn vắng ý thức và cơn co cứng – co giật toàn thể. - Cơn co cứng và co giật toàn thể: Đây là dạng động kinh phổ biến ở người trưởng thành và có những biểu hiện khá rõ ràng, được cho là dễ nhận biết nhất. Người bệnh đột ngột mất ý thức và ngã vật xuống, có thể kèm theo tiếng kêu rống lên. Chân tay duỗi cứng, hai bàn tay nắm chặt, cơ hô hấp co cứng, cơ thanh quản khép, người bệnh ngưng thở ngắn nên da và niêm mạc tím ngắt do thiếu oxy. Tiếp theo bệnh nhân co giật các cơ toàn thân, tay chân co giật nhịp nhàng, lúc đầu chậm rồi nhanh dần, ngừng hẳn ở cuối cơn. Các cơ ở mặt cũng co giật, mắt trợn ngược, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, sùi bọt mép. Sau khi ngừng co giật, các cơ mềm ra và bệnh nhân dần dần tỉnh lại, mệt mỏi và không nhớ gì vừa xảy ra, có khi bệnh nhân chìm ngay vào giấc ngủ sâu. Cơn co giật thường kéo dài khoảng 2- 3 phút, có khi cơn giật xuất hiện liên tục khi bệnh nhân chưa kịp tỉnh lại gọi là trạng thái động kinh. - Cơn vắng ý thức: Dạng động kinh này thường xảy ra ở trẻ em. Biểu hiện đặc trưng nhất của loại động kinh này là mất ý thức trong khoảng 5 – 15 giây, người bệnh nhìn chằm chằm, đôi khi đảo mắt lên trên, trẻ đang cầm đồ bỗng nhiên đánh rơi… Vì những triệu chứng này mà nhiều trẻ bị động kinh cơn vắng thường không thể tập trung học và dẫn đến kết quả học tập sa sút nghiêm trọng. 4. CHẨN ĐOÁN 4.1. Chẩn đoán xác định Chẩn đoán xác định phải dựa vào lâm sàng (dựa vào thầy thuốc, nhân viên y tế mô tả, chứng kiến cơn) và có thể kết hợp với biến đổi điện não đồ, chú ý không chẩn đoán động kinh nếu lâm sàng không có cơn. Việc chẩn đoán tuân theo trình tự ba bước sau: – Xác định các cơn này là cơn động kinh. – Phân loại các loại cơn động kinh. – Xác định nguyên nhân nếu có thể. 4.2. Chẩn đoán phân biệt Động kinh có nhiều hình thái lâm sàng khác nhau. Cơn lớn là thể cần được chẩn đoán phân biệt với các cơn co giật do nhiều nguyên nhân khác ở nhiều chuyên khoa khác nhau (Thần kinh, Tâm thần, Nhi khoa, Nội tiết, Sản khoa, …). 5. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ BỆNH ĐỘNG KINH TẠI CỘNG ĐỒNG. Bệnh động kinh có xu hướng gia tăng nhưng nhận thức của cộng đồng về bệnh động kinh vẫn còn nhiều hạn chế dẫn tới những nỗi sợ hãi không đáng có và những quan điểm sai lầm xung quanh căn bệnh này. Dưới đây là những quan điểm sai lầm về bệnh động kinh cần phải loại bỏ ngay lập tức. - Động kinh do ma quỷ gây ra Nhiều người cho rằng bệnh động kinh do ma quỷ hoặc kiếp trước ăn ở thất đức, vì vậy để hết cơn động kinh thì gia đình phải cúng bái. Quan niệm như trên là hoàn toàn không đúng. Động kinh có thể do các nguyên nhân nêu trên, một số chưa tìm ra nguyên nhân vì có tổn thương kín đáo nhưng đa số các trường hợp đó đều được điều trị tốt bằng các thuốc kháng động kinh. - Phụ nữ mắc bệnh động kinh không thể hoặc không nên mang thai Phụ nữ mắc động kinh thường phải chịu tiếng ác là không thể sinh con hoặc nếu sinh được thì có thể di truyền bệnh cho con. Bởi vậy, một khi bệnh bị tiết lộ ra ngoài, mặc dù họ có hoàn hảo đến mấy thì cũng rất khó có cơ hội lập gia đình. Đây là quan niệm sai lầm và cần phải loại bỏ, thậm chí trên thế giới từng có những phong trào bảo vệ quyền có con của phụ nữ bị động kinh. Chính sự kỳ thị quá mức và quan điểm sai lầm của cộng đồng đã khiến cho những người phụ nữ này phải chịu quá nhiều sức ép tâm lý và đau đớn hơn là bị tước mất quyền làm mẹ thiêng liêng. Thực tế là, nếu đã được điều trị cắt cơn, bệnh nhân vẫn có thể mang thai bình thường. Bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp để giảm nguy cơ dị tật thai nhi. -Người mắc bệnh động kinh luôn bị co giật Các loại động kinh khác nhau sẽ có biểu hiện khác nhau. Vì thế, có thể khẳng định, triệu chứng bệnh động kinh rất đa dạng. Ngoài những cơn co giật, sùi bọt mép hay mắt trợn ngược, người mắc động kinh có thể gặp phải nhiều dấu hiệu khác như cảm giác sợ hãi, mặt đờ đẫn,… - Động kinh là một dạng bệnh tâm thần Phần lớn, trường hợp mắc bệnh động kinh phải chịu tiếng oan là người bệnh tâm thần, mất kiểm soát ý thức, hành vi. Sự thật thì ngoại trừ những lúc lên cơn, người mắc động kinh vẫn tỉnh táo và có thể sinh hoạt bình thường.
6. ĐIỀU TRỊ 6.1. Nguyên tắc điều trị cơn động kinh - Chỉ điều trị khi đã xác định chắc chắn là bệnh động kinh. - Chọn các loại thuốc đặc trị cho từng loại cơn theo thứ tự ưu tiên. Bao giờ cũng bắt đầu bằng liệu trình đơn trị liệu. Liều thuốc tăng dần đến khi đạt đến liều hữu hiệu (hết cơn co giật hoặc cơn co giật thưa dần), sau đó duy trì liều đó hàng ngày không bỏ thuốc ngày nào tính từ thời điểm bắt đầu cắt cơn cuối cùng. - Chọn thuốc phù hợp với lứa tuổi, thể trạng cơ thể. - Khi cần kết hợp 2 loại thuốc kháng động kinh, không dùng loại làm tăng nồng độ độc tính của nhau trong máu như garnotal +deparkin, garnotal + primidon... - Nếu động kinh có kèm theo loạn thần phải kết hợp thuốc chống loạn thần. - Không ngừng thuốc và thay đổi thuốc đột ngột. - Kiêng các chất kích thích (rượu, bia, cà phê) 6.2. Một số loại thuốc động kinh thường sử dụng ở cộng đồng + Carbamazapin (tegretol): trẻ em: 10 -30 mg/kg; người lớn: 10 - 12 mg/kg (chỉ định ĐK cục bộ đơn giản hoặc phức tạp). Tác dụng phụ chủ yếu đó là các tổn thương da, nổi mẩn, mày đay vào ngày thứ 8 - 10 kể từ khi dùng thuốc. + Barbituric (Phenobarbital, Garnotal: hàm lượng: viên 10mg, 100mg; ống 200mg tiêm bắp; liều trẻ em: 3-4mg/kg; người lớn: 2-3mg/kg (chỉ định ĐK toàn thể, cơn cục bộ). Có một số tác dụng phụ như: gây tình trạng chậm chạp, tác dụng an thần, ở trẻ nhỏ có thể gây ra trạng thái kích động, còi xương... + Muối Valproat (Deparkin): trẻ em: 30 mg/kg; người lớn: 20mg/kg(chỉ định cơn ĐK toàn thể, ĐK cục bộ). + Levetiracetam (Keppra). Viên nén 250 mg, 500mg. Điều trị cơn động kinh cục bộ, có hoặc không kết hợp với cơn động kinh toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên; Điều trị cơn động kinh rung giật cơ ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên bị bệnh động kinh rung giật cơ thiếu niên; Điều trị cơn động kinh toàn thể co cứng - co giật tiên phát ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên bị bệnh động kinh toàn thể tiên phát. + Topiramate (Topamax) viên nén 25mg, 50mg. được FDA chấp nhận sử dụng để chống động kinh hay chống co giật. Giới hạn độ tuổi sử dụng thuốc này cũng rộng người lớn và trẻ nhỏ trên 2 tuổi có chỉ định bác sĩ là có thể sử dụng thuốc. Ngoài ra, khi sử dụng topiramate có thể ngăn ngừa triệu chứng đau nửa đầu ở người lớn và độ tuổi thanh thiếu trên 12 tuổi 6.3. Chế độ sinh hoạt của bệnh nhân động kinh Ngủ đúng giờ tránh thức khuya để huấn luyện bộ não hoạt động nề nếp. Tránh các công việc phải làm trên cao, dưới nước, gần lửa, không lái tầu xe đề phòng cơn lên bất ngờ gây tai nạn. Tránh làm việc ngoài nắng chói gây kích thích thị giác và mất mồ hôi làm mất nước điện giải. Tránh nhịn đói, bị hạ đường huyết, tuyệt đối kiêng rượu, các chất có độ cồn. Tránh các tác nhân gây Strees, sang chấn tâm lý như học tầm và làm việc quá căng thẳng… 7. TIẾN TRIỂN VÀ TIÊN LƯỢNG - Bệnh động kinh có thể khỏi, thuyên giảm nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời. - Người bệnh động kinh vẫn có thể tham gia các hoạt động bình thường của cuộc sống nhưng cần lưu ý một số yếu tố phù hợp để đảm bảo an toàn và phòng bệnh. - Những dấu hiệu tiên lượng không tốt là bệnh phát hiện muộn, điều trị không hết cơn, hay có các cơn mau dẫn đến trạng thái động kinh - Nếu không được điều trị đúng và kịp thời người bệnh động kinh sẽ bị biến đổi nhân cách, mất trí. 8. PHÒNG BỆNH Cấp 1: Ngăn ngừa, loại trừ các nguyên nhân gây bệnh. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, giải thích một cách hợp lý về bệnh tật. Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn não, các chấn thương, phòng ngừa các bệnh cơ thể khác có thể gây động kinh. Cấp 2: Phát hiện sớm và điều trị tích cực, hạn chế sự tiến triển xấu. Ở các phòng khám, trạm y tế cần phát hiện bệnh kịp thời và tốt nhất bệnh nhân nên được khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất ở tuyến chuyên khoa. Cần khám lại ngay khi cơn co giật không giảm hoặc tăng lên, xuất hiện các biểu hiện lạ về vận động hay cảm giác…Hướng dẫn người bệnh phòng ngừa những tai nạn có thể xảy ra trong cơn động kinh. Cấp 3: Phục hồi chức năng cho người bệnh động kinh có thể ở bệnh viện hay ngay tại cộng đồng giúp người bệnh động kinh duy trì tốt các hoạt động sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.