Bệnh Tâm thần phân liệt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị?
Thứ hai - 30/09/2024 12:03
Theo thống kê, khoảng 1% dân số có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt. Tuy nhiên ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh này là nguy cơ bị bệnh tăng lên 12%.
1. KHÁI NIỆM Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng tiến triển, có khuynh hướng mãn tính, căn nguyên hiện nay chưa rõ, làm cho người bệnh dần dần tách ra khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, làm cho tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng học tập ngày càng trở nên sút kém, có những hành vi, ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu. Bệnh tâm thần phân liệt là bệnh khá phổ biến, hầu hết các nước trên thế giới có tỷ lệ từ 0,5 - 1,5% dân số, Việt Nam 0,47% dân số. 2. NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT: Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng các nhà khoa học đã tìm được một số yếu tố làm tăng nguy cơ gồm: 2.1. Yếu tố gia đình Tâm thần phân liệt có xu hướng ở những người có gia đình thường xuyên mâu thuẫn, không hạnh phúc. 2.2. Yếu tố di truyền Theo thống kê, khoảng 1% dân số có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt. Tuy nhiên ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh này là nguy cơ bị bệnh tăng lên 12%. 2.3. Yếu tố tâm lý Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, stress quá độ hoặc sang chấn tâm lý cũng góp phần thúc đẩy bệnh. Sang chấn tâm lý có thể là tác nhân nguy cơ gây tâm thần phân liệt. 2.4. Sự thay đổi trong não Các nghiên cứu hình ảnh não đã chỉ ra rằng những người mắc tâm thần phân liệt thường có những bất thường trong cấu trúc và chức năng não, bao gồm sự thay đổi trong các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và glutamate. 2.5. Biến cố trước khi sinh và trong giai đoạn phát triển sớm Một số nghiên cứu cho thấy các biến cố như nhiễm trùng trong thai kỳ, thiếu dinh dưỡng, và các biến cố căng thẳng khác trong giai đoạn phát triển sớm có thể tăng nguy cơ phát triển tâm thần phân liệt.
3. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG 3.1. Rối loạn tri giác Thường gặp ảo thanh (nghe tiếng nói khi không có người xung quanh). Tiếng nói văng vẳng bên tai hoặc xuất hiện ở trong đầu, trong các bộ phận của cơ thể người bệnh. Nội dung tiếng nói thường bình phẩm hoặc ra lệnh cho bệnh nhân. Làm cho bệnh nhân khó chịu và thực hiện những hành vi không đúng. Như khi có ảo thanh xui khiến, bệnh nhân nghe thấy tiếng nói bên tai xui khiến, khuyến khích, thậm chí ra lệnh cho bệnh nhân đánh người dẫn đến người bệnh có hành vi bạo lực với người xung quanh. 3.2. Rối loạn tư duy Bệnh nhân cho rằng ý nghĩ của mình vang thành tiếng mà người khác biết được (tư duy bị bộc lộ, tư duy bị phát thanh) một hoặc nhiều người hay một lực lượng nào đó xếp đặt ý nghĩ của họ vào đầu bệnh nhân (tư duy bị áp đặt) hoặc biết được ý nghĩ của bệnh nhân mặc dù họ không nói ra (tư duy bị đánh cắp). Mặc dù không có ai nhưng bệnh nhân luôn khẳng định có một người hoặc lực lượng nào đó đang theo dõi kiểm tra mình, chi phối mọi hoạt động của mình bắt mình phải làm theo (hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối, theo dõi) hoặc cho rằng có người đầu độc, ghen tuông, sát hại mình... 3.3. Rối loạn cảm xúc Đặc trưng là cảm xúc ngày càng cùn mòn khô lạnh, cảm xúc trái ngược nội dung lời nói và hoàn cảnh xung quanh. Đôi khi xuất hiện kích động, cảm xúc đột biến như cơn khóc lóc, cơn cười vô duyên cớ, cơn lo sợ, cơn giận dữ. Có những thời kỳ trầm cảm hoặc hưng cảm. 3.4. Rối loạn hành vi tác phong Người bệnh tâm thần phân liệt thường xa lánh mọi người, sống lập dị, đi lang thang không mục đích. Có người lên cơn kích động la hét đập phá, có người có động tác định hình vẩy tay, nhún vai, nhếch mép. Có trường hợp căng trương lực bất động, có trường hợp xung động tấn công. Có trường hợp có hành vi bất thường trời nóng lại chùm chăn, trời rét lại cởi trần nhảy xuống hồ ao tắm. Có người lên cơn xung động đập phá đốt nhà, đánh người, chém người không có lý do. 3.5. Biến đổi nhân cách Có một số trường hợp sau một thời gian bị bệnh nhân cách biến đổi gọi là nhân cách phân liệt với các đặc trưng tính chất 2 chiều - thiếu hoà hợp, tự kỷ. Bệnh nhân dần có lối suy nghĩ, hoạt động và hành vi cứng nhắc và không lành mạnh. Dấu hiệu nhận biết một người bị biến đổi nhân cách là sự khó khăn trong nhận thức, liên hệ với các tình huống và trong tương tác với mọi người xung quanh. Điều này gây ra những rắc rối cản trở đáng kể các mối quan hệ, hoạt động xã hội, công việc và học tập. Những khó khăn này càng làm cho người bệnh chuyển vào cuộc sống cô độc, tách rời thực tại, cắt đứt với thế giới bên ngoài. 4. CÁC GIAI ĐOẠN TIẾN TRIỂN CỦA BỆNH 4.1. Giai đoạn báo trước Người bệnh ngày càng giảm sút khả năng học tập và công tác, đầu óc mù mờ khó suy nghĩ, cảm xúc lạnh nhạt dần, khó thích ứng với ngoại cảnh, giảm dần các thích thú trước đây. Một số bệnh nhân biểu hiện trạng thái giống suy nhược thần kinh, đau đầu, mất ngủ, chóng mệt mỏi, khó tiếp thu cái mới, bồn chồn lo lắng, dễ nổi nóng, dễ bùng nổ. Cảm giác bị động tăng dần, thấy như mình đuối sức trước cuộc sống. Một số thấy có biến đổi kỳ lạ trong người như thay đổi nét mặt màu da. Có bệnh nhân trở nên say sưa đọc các loại sách triết học, lý luận viển vông không phù hợp với thực tế. 4.2. Giai đoạn toàn phát Các triệu chứng khởi đầu nặng dần lên đồng thời với các triệu chứng loạn thần rầm rộ bao gồm các triệu chứng dương ính và các triệu chứng âm tính. Các triệu chứng chính của tâm thần phân liệt xuất hiện rõ rệt và có thể bao gồm ảo giác (nhìn, nghe hoặc cảm nhận những điều không có thật), hoang tưởng (niềm tin sai lầm không thể thuyết phục), rối loạn suy nghĩ (lời nói không mạch lạc, suy nghĩ rời rạc), và hành vi kỳ quái. Đây là giai đoạn mà bệnh nhân có biểu hiện rõ rệt nhất và cần được can thiệp y tế ngay lập tức để giúp người bệnh tránh gây ra những nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng. Các triệu chứng này có thể gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. 4.3. Giai đoạn di chứng Các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác mất đi hoặc mờ nhạt, chỉ còn các triệu chứng âm tính nổi bật lên như cảm xúc cùn mòn, ngôn ngữ nghèo nàn, hoạt động kém, bị đông trong cuộc sống, kém chăm sóc bản thân, một số bệnh nhân sống lang thang. Sự mạch lạc và logic của lời nói và suy nghĩ bị gián đoạn. Người bệnh kém chú ý, khó tập trung, khó ghi nhớ, hoặc không hiểu. Gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch cho các công việc đơn giản như làm việc nhà hoặc mua sắm, đây cũng là một nguồn gốc gây ra khuyết tật lớn trong cuộc sống hàng ngày. 5. ĐIỀU TRỊ BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT 5.1. Liệu pháp hóa dược (sử dụng các thuốc an thần kinh) Các thuốc an thần kinh (ATK) làm giảm hoặc mât các triệu chứng dương tính. Tuy nhiên các triệu chứng âm tính ít đáp ứng với thuốc ATK cổ điển mà đáp ứng tốt với thuốc ATK mới.
Một số loại thuốc thường được sử dụng tại cộng đồng
+ Các thuốc ATK cổ điển như: Clopmazine (Aminazin), Levomepomazine (Tisercin), Haloperidol… đây là các nhóm thuốc chống loạn thần điển hình. Khi sử dụng ngoài tác dụng chống loạn thần thì có nhiều tác dụng không mong muốn ngoại tháp như run rẩy , cử động chậm , cứng hàm, tiết nhiều nước bọt, bồn chồn đứng ngồi không yên … Ngoài ra, có thể gặp phản ứng da ,chóng mặt, hạ huyết áp, có thể cảm thấy buồn ngủ. + Các thuốc ATK mới như: Olanzapine (Olanxol), Risperidone (Risdontab), Quetiapine (Quetoz), Clozapine (Lepigin), Aripiprazole… các thuốc này có ưu điểm là vừa có tác dụng tốt trên các triệu chứng loạn thần dương tính, vừa có tác dụng trên tất cả các triệu chứng âm tính của bệnh tâm thần phân liệt. Dù các thuốc này khá an toàn và ít gặp các tác dụng phụ ngoại tháp ở liều điều trị nhưng vẫn cần phải theo dõi và đánh giá chặt chẽ khi người bệnh sử dụng. + Các thuốc ATK chậm như: Haloperidol decanoat, Fluphenazine decanoat, Aripiprazol depot, Paliperidone depot… đây là các thuốc được sản xuất dạng phóng thích chậm nên chỉ cần tiêm 2 – 4 tuần một lần. Đây là khuyến cáo mới cho người bệnh tâm thần phân liệt để giảm tình trạng bỏ thuốc và tái phát bệnh. 5.2. Điều trị tái thích ứng xã hội 5.2.1. Vai trò của cán bộ y tế cộng đồng Lập sổ sách, quản lý chặt chẽ hồ sơ bệnh án, quản lý bệnh nhân thuộc địa phương mình. Cung cấp đầy đủ kịp thời thuốc cho bệnh nhân (theo quy định). Hướng dẫn người nhà cách theo dõi, phát hiện diễn biến hàng ngày của bệnh nhân. Nhắc nhở gia đình bệnh nhân cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn. Khi phát hiện bệnh nhân có diễn biến xấu, cũng như xuất hiện tác dụng không mong muốn của thuốc, bệnh nhân có biểu hiện tái phát bệnh hoặc các triệu chứng cấp cứu thì kịp thời báo, chuyển bệnh nhân lên tuyến chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Liên hệ chặt chẽ với gia đình và bệnh nhân thường xuyên. Tham gia tập huấn về quản lý và chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt do bác sĩ chuyên khoa tâm thần hướng dẫn. Hỗ trợ tâm lý: Nếu có thể gặp gỡ, lắng nghe và trò chuyện với bệnh nhân tại cộng đồng, khuyến khích họ chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình mà không phán xét. 5.2.2. Vai trò của gia đình bệnh nhân Biết cách chăm sóc, hướng dẫn và động viên để bệnh nhân tuân thủ uống thuốc đều đặn. Luôn nâng đỡ, hỗ trợ và tạo mối quan hệ vui vẻ hoà nhập trong gia đình, không gây căng thẳng cho người bệnh. Khuyến khích hoạt động hàng ngày: Giúp bệnh nhân tham gia vào các hoạt động hàng ngày như nấu ăn, dọn dẹp, và các hoạt động cá nhân khác. Điều này giúp họ duy trì kỹ năng và cảm giác tự lập. Nhắc nhở, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện nề nếp ăn, ngủ đúng giờ, tạo những việc làm từ đơn giản đến phức tạp phù hợp với bệnh nhân, từng bước hướng dẫn bệnh nhân trở lại làm việc. Phát hiện những biểu hiện bất thường hàng ngày kịp thời báo cho nhân viên y tế. 6. PHÒNG BỆNH - Phát hiện sớm, chủ yếu dựa vào sự phát hiện của người thân. Các biểu hiện cần phát hiện: - Có rối loạn giấc ngủ không? Có hay đau đầu không? Có các suy nghĩ hay cảm nhận khác lạ không? tình cảm, hành vi đối xử với mọi người trong gia đình, ngoài xã hội có gì khác thường không? Nếu thấy các biểu trên khác thường thì phải đưa tới khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt. - Nếu như đã đi bệnh viện tâm thần điều trị về, bệnh đã tương đối ổn định thì cần tiếp tục điều trị theo đơn hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không được tự động bỏ thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Bệnh nhân sống tại gia đình, cộng đồng thì gia đình và cộng đồng phải tạo điều kiện thuận lợi, thoải mái không được mặc cảm hoặc kỳ thị bệnh nhân, với mục đích hạn chế bệnh tái phát.